Một số hoạt động dạy học tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong dạy học môn Toán ở trường Tôn Thất Tùng
Cùng với các bộ môn khác, tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong dạy học luôn được người thầy giáo dạy môn toán trăn trở và cố gắng thực hiện cho bằng được. Sự tích hợp phải được thưc hiện khéo léo ở từng hoạt động dạy học cụ thể, phù hợp với đặc trưng bộ môn, tránh áp đặt cứng nhắc. Với bộ môn toán, không ít nội dung dạy học toán có thể lồng ghép giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, thông qua các hoạt động giải bài tập tại lớp, bài tập về nhà liên quan đến các luận điểm hay qua mẫu chuyện về cuộc đời của Bác ở hoạt động củng cố bài học.
Nội dung 1: Giáo dục tư tưởng độc lập dân tộc, tình cảm đạo đức và đóng góp sáng tạo vào kho tàng lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin của Bác Hồ qua bài dạy Mệnh đề - Đại số 10.
Ở bài học Mệnh đề, với các kiến thức chính là khái niệm về mệnh đề, mệnh đề phủ định, người dạy cần rèn luyện học sinh kỹ năng xác định mệnh đề và lập mệnh đề phủ định. Trên nền kiến thức đó, nhiều câu nói nổi tiếng của Bác Hồ được tích hợp, được lồng ghép vào bài dạy hết sức thuận lợi. Qua đó người học càng hiểu sâu sắc hơn khái niệm mệnh đề, đồng thời thấy được sự logic trong các luận điểm của Bác Hồ và thấu hiểu được tình cảm của Bác Hồ dành cho nhân dân. Hoạt động 1: Xác định một mệnh đề Trong các câu nói sau của Bác Hồ, câu nói nào theo quan điểm toán học là mệnh đề? Hãy nêu ý nghĩa của những câu nói đó? a) “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. b) “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Trả lời a) Câu nói này là sự khẳng định nên là một mệnh đề . Đây là một chân lý bất hủ và có giá trị cho mọi thời đại. Đây là nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. b) Câu nói này không có sự khẳng định, là một câu hỏi, nên không phải là một mệnh đề. Tuy là câu hỏi, nhưng câu nói của Bác thể hiện tình cảm rất quý trọng nhân nhân và nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời của Bác Hồ với nhân dân.
Hoạt động 2: Phủ định của một mệnh đề (Phần bài tập về nhà) Khi gặp một mệnh đề ta xác định là không đúng, không phù hợp hoặc sai trái, thì ta phải bác bỏ (phủ định) mệnh đề đó. Để phủ định một mệnh đề ta thường nói như thế nào?
Xét quan điểm của Đại hội IV Quốc tế Cộng Sản: “ Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến”. Với thực tiễn cách mạng Việt Nam, quan điểm trên không phù hợp, em hãy tìm một luận điểm của Bác Hồ phủ định quan điểm trên.
Trả lời: Bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã khẳng định: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”. Luận điểm này của Bác đã phê phán tính thụ động của cách mạng các nước thuộc địa. Luận điểm khẳng đinh cách mạng các nước thuộc địa phải chủ động và không ngồi chờ thắng lợi của cách mạng các nước chình quốc. Luận điểm có tính sáng tạo và có ý nghĩa thực tiễn, là cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin.
Nội dung 2: Giáo dục tính thẩm mỹ, cẩn thận cho học sinh qua câu chuyện Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng năm 1959: Thế thì phải làm lại, trong bài Mặt tròn xoay-Hình học 12. Khái niệm Mặt tròn xoay thường gắn liền với nghề làm gốm và các làng gốm của nước ta. Đây cũng là cơ hội đặc biệt để tích hợp tư tưởng, đạo đức Bác Hồ vào bài dạy. Học sinh sẽ thấy được sự gần gũi của Bác Hồ với nhân dân, đồng thời giáo dục học sinh tính cẩn thận trong học tập và lao động.
Hoạt động: Củng cố bài học: Là hình ảnh rất gần gũi với khái niệm mặt tròn xoay, các sản phẩm gốm phải đảm bảo tính “tròn”, “không được méo”. Thầy xin kể các em nghe một câu chuyện rất đặc biệt: Thế thì phải làm lại (*). Sáng ngày 20-2-1959, nhân dân Bát Tràng vô cùng phấn khởi được đón Bác Hồ về thăm.

Bác đi thăm nhà sản xuất đồ gốm. Đến khu bể lọc đất rồi khu tạo hình đứng xem anh Vũ Văn Vinh in bát. Vì cảm động quá và còn ít tuổi nên anh Vinh in ra một bát còn hơi méo rồi đặt lên bàn sản phẩm. Bác hỏi: – Khi nung chín ra, bát có méo không? – Thưa Bác, bát cũng méo ạ! – Thế thì phải làm lại!- Bác đề nghị. Chỉ là lời nhắc nhở nhỏ, nhưng anh Vinh thấy thấm thía lời Bác dặn rất sâu sắc. Làm gì cũng phải cẩn thận, tỉ mỹ, chu đáo, nếu làm hỏng thì phải làm lại. Với sản phẩm gốm phải đảm bảo thật tròn như tính chất đặc trưng mặt tròn xoay của nó. Bởi vậy, thầy thường hay căn dặn các em là chú ý rèn luyện kỹ năng – làm kỹ và siêng làm các em ạ. (Theo Câu chuyện “Bác Hồ về thăm làng Gốm” giờ mới kể -battrangceramics.com.vn)
Đương thời, Bác Hồ rất bộn bề công việc đất nước, nhưng Bác rất gần gũi với mọi người và am hiểu sâu sắc mọi công việc của chúng ta. Câu chuyện nghe đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn.
Giáo dục Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh qua dạy học môn toán cũng như các môn học khác không những là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi nhà giáo. Để làm tốt công việc này đòi hỏi người thầy cần có sự tìm hiểu nghiên cứu thật nghiêm túc và đầu tư soạn giảng hết sức cẩn thận. Các hoạt động dạy học phải được thiết kế với nội dung cô động, thời gian và thời điểm thực hiện tổ chức dạy học hợp lý. Có như vậy giờ dạy mới đảm bảo nội dung kiến thức – kỹ năng và đạt được mục tiêu giáo dục ý thức thái độ cho học sinh.
|