Học sinh Tôn Thất Tùng hào hứng với dạy học tích hợp chuyên đề
Đối với học sinh trường Tôn Thất Tùng, các chủ đề liên môn, tích hợp có tính thực tiễn nên sinh động, hấp dẫn, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho các em. Thực hiện dạy học tích hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc hình thành và phát triển năng lực hành động, năng lực giải quyết vấn đề, đặc biệt là khi chính các em được chủ động tham vào quá trình hình thành và tạo ra kiến thức.
Qua rồi cái thời học sinh chỉ biết thụ động đọc – chép. Phương tiện giảng dạy hiện đại luôn có sẵn, nội dung bài học luôn đòi hỏi các bạn HỌC SINH phải tích cực tìm kiếm tài liệu để nghiên cứu thêm, hoặc ứng dụng thực tiễn. Do vậy, thuyết trình bằng giáo án điện tử hay tự làm thí nghiệm là một trong những cách “trực quan sinh động” nhằm làm tăng hiệu quả học tập.

Em Trần Đăng Khoa, học sinh lớp 11/11 cho rằng: em thực sự hào hứng khi chính mình được nhóm bầu chọn để trình bày trước lớp, rất tự hào khi đã thể hiện thành công bài thuyết trình của mình. Bây giờ em có thể tự tin để giải thích cho mọi người về tia lửa điện, sét, sự hình thành sét, lợi ích và tác hại của sét, cách phòng chống sét,...
Khi các em chủ động tham gia vào học tập, các em trưởng thành rất nhanh, không những về tri thức mà còn về kỹ năng, sự tự tin khi trình bày trước đám đông, sự chủ động khi nắm bắt và tìm hiểu kiến thức, sự đoàn kết khi tham gia hoạt động nhóm, kỹ năng tìm kiếm kiến thức trên mạng, vận dụng công nghệ thông tinvào bài học.

Em Bùi Văn Quy cho rằng: các em được học chứ không bị học. Các em được chia sẻ những kiến thức của mình, bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp. Các em hạnh phúc khi được học, được sáng tạo, được thể hiện, được làm. Nhờ học theo hướng tích cực mà em ghi nhớ sâu kiến thức và tăng khả năng áp dụng vào thực tế lên gấp 3-4 lần so với cách học thụ động một chiều. “Em đã học và hiểu được rất nhiều các kiến thức thực tiễn và vận dụng nó để giải thích các hiện tượng trong cuộc sống”, em Mai Vy, lớp 11/11 chia sẻ. Kiến thức về dòng điện trong các môi trường (Kim loại, chất điện phân, chất khí, bán dẫn) được trình bày thành các bài riêng lẽ nhưng có cách tiếp cận chung là: Sự tạo thành hạt tải điện, bản chất dòng điện, sự phụ thuộc của dòng điện vào hiệu điện thế và ứng dụng của nó trong thực tế. Chuyên đề dòng điện trong các môi trường với thời lượng 3 tiết nghiên cứu về cơ chế hình thành hạt tải điện và bản chất của dòng điện trong các môi trường, 4 tiết nghiên cứu về ứng dụng của dòng điện trong các môi trường và 2 tiết vận kiến thức để giải quyết các bài tập.
|