Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
|
Ảnh minh họa
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta những tư tưởng to lớn, những giá trị nhân văn cao cả. Năm 2014 là năm thứ 4 hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với chuyên đề "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm". Trong tư tưởng của Người, nêu cao tinh thần trách nhiệm là một trong những nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao trong công cuộc kháng chiến và kiến thiết nước nhà.
Trong giai đoạn hiện nay, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm có thể xem là nhân tố có ý nghĩa thiết thực của mỗi chúng ta, nó quyết định sự thành công cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nói chung và sự thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học ở các cơ sở giáo dục nói riêng.
1. Về tinh thần trách nhiệm và sự cần thiết phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Vậy, tinh thần trách nhiệm là gì và vì sao phải nêu cao tinh thần trách nhiệm?
Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về những điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình của mỗi người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao.
Mỗi Đảng viên chúng ta nói riêng và mỗi CBGVNV nói chung phải nêu cao tinh thần trách nhiệm vì tất cả nhiệm vụ của nhà trường là do từng CBGVNV trực tiếp thực hiện và mang lại kết quả. Cán bộ, đảng viên là người phụ trách, tổ chức, lôi cuốn quần chúng, nên cần phải đi trước, làm gương để quần chúng noi theo.
2. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh:
- Trước hết, nêu cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công chức phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Thứ hai: Người cho rằng, nêu cao tinh thần trách nhiệm là mỗi người phải nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác.
Bởi vì, nghề nào cũng vinh quang, việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Người yêu cầu “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”.
- Thứ ba: Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm theo quan điểm của Bác là cán bộ, công chức, đảng viên phải nắm vững và thực hiện đúng chính sách, đường lối của Đảng.
Người nói: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Từ đó, tuyên truyền, giải thích, tham khảo ý kiến và ghi nhận sự phê bình của quần chúng. Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối của Đảng nhưng phải linh hoạt, biết áp dụng vào thực tiễn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
- Cuối cùng, Người khẳng định: Bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi là những biểu hiện trái ngược với tinh thần trách nhiệm.
Với tư cách đại diện cho tổ chức Công đoàn - Là một tổ chức hoạt động song hành với các phong trào thi đua của nhà trường, tôi xin phép được báo cáo sự vận dụng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về "Nêu cao tinh thần trách nhiệm" trong việc hưởng ứng các phong trào thi đua của Đoàn viên công đoàn Nhà trường.
3. Tại trường THPT Tôn Thất Tùng thời gian qua và trong năm học 2014-2015:
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng năm học, Công đoàn đã luôn phối hợp với nhà trường phát động các phong trào thi đua với nhiều nội dung đến toàn thể CBGVNV nhà trường. Đồng thời đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đa số thành viên trong Hội đồng sư phạm.
- Đối với Giáo viên bộ môn: Các thầy cô đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của một người giáo viên đứng lớp, xác định được mức độ đối tượng học sinh của trường để tìm ra những phương pháp dạy hay; kiểm tra, đánh giá một cách phù hợp; luôn thân thiện và tận tuỵ với học sinh...và mang lại được những kết quả đáng ghi nhận như: số học sinh khá giỏi của trường tăng lên hàng năm, có nhiều giải cao trong cuộc thi HSG, thi TDTT, số lượng học sinh đậu đại học ngày càng tăng...
- Đối với giáo viên chủ nhiệm: Đa số thầy cô đều ý thức được về trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao, trên tinh thần chịu khó, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng lớp chủ nhiệm thành một tập thể đoàn kết, có ý thức trong học tập và rèn luyện, tham gia các phong trào và cuộc vận động, hướng nghiệp tại lớp theo chỉ đạo của nhà trường và phối hợp với Đoàn thanh niên trong việc tham gia các hoạt động do Đoàn và trường tổ chức.
- Đối với nhân viên nhà trường, các anh chị đã nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình và tích cực, tự giác trong thực hện nhiệm vụ được giao.
- CBGVNV nhà trường đã tích cực đăng kí các danh hiệu thi đua và phấn đấu đạt: Giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường; chiến sĩ thi đua cơ sở; soạn giáo án Elearning...
- Hội đồng sư phạm đã tạo thành một khối đoàn kết thống nhất, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, trong hội đồng sư phạm vẫn còn tồn tại những cá nhân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, chưa nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong công việc; còn ỷ lại cho đồng nghiệp, còn lên lớp muộn, thiên kiến, chưa thân thiện với học sinh, chưa tích cực khi tham gia các phong trào đoàn thể, phát ngôn chưa phù hợp về thời gian và đối tượng dễ gây mất đoàn kết nội bộ...
Trong năm học 2014-2015, trước chi bộ nhà trường, chúng ta là những cán bộ, Đảng viên; là người phụ trách, tổ chức, lôi cuốn quần chúng, cần quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, luôn đi trước, làm gương để quần chúng noi theo, hưởng ứng nhiệt tình và vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của nhà trường. Góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học này. |