Một số giải pháp nâng cao chất lượng thi Tốt nghiệp THPT, Đại học và Cao đẳng.
Mục tiêu của sự nghiệp giáo dục với mỗi thầy cô giáo hay một đơn vị trường học là đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Trước khi chú trọng bồi dưỡng nhân tài, mỗi nhà trường quan tâm trước hết đến nhiệm vụ đào tạo nhân lực nói chung. Muốn đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng được nhiều nhân tài, đòi hỏi mỗi nhà trường phải không ngừng nâng cao chất lượng dạy của nhà giáo và chất lượng học tập của học sinh, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng và số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như đỗ vào các trường Cao đẳng và Đại học ngày càng cao.
Ở môn học nào các thầy cô giáo cũng mong mỏi đạt được mục tiêu cao cả ấy. Và đó không chỉ là mong mỏi mà còn là điều trăn trở của các nhà giáo trong tổ Ngữ văn của trường THPT Tôn Thất Tùng. Qua nhiều năm giảng dạy, đào tạo, các nhà giáo tổ Ngữ văn của trường cũng đã góp phần vào thành công chung của đơn vị trong các kì thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng. Nhân Hội thảo “Nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng”, tổ Ngữ văn của trường THPT Tôn Thất Tùng xin đóng góp vài kinh nghiệm nhỏ, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng của ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng.
I. ĐẶC ĐIỂM HỌC SINH: Tính đến nay, trường THPT Tôn Thất Tùng chưa tròn mười tuổi. Năm đầu tiên thành lập, trường mới có sáu lớp, nay số lượng học sinh đã gấp sáu lần ( ba sáu lớp học). Đó là biểu hiện đầu tiên cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của nhà trường. Số lượng học sinh đậu tốt nghiệp THPT của trường, thường xuyên bằng và cao hơn mặt bằng của thành phố. Số học sinh đậu Đại học và Cao đẳng nhìn chung năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm học 2012-2013, số học sinh đậu TNTHPT cao hơn mặt bằng thành phố, đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng chiếm tỉ lệ gần 50% tổng số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Đó là những con số thật sự ấn tượng. Trong khi đó, đặc điểm học sinh trường THPT Tôn Thất Tùng so với học sinh nhiều trường trong thành phố, thật khác biệt. Các em là những học sinh “ Lọt sàng xuống nia”. Học sinh xuất sắc, giỏi, khá đã được các trường chuyên, trường chuẩn, trường có “thương hiệu mạnh” sàng lọc hết. Các em học sinh còn lại mới vào trường THPT Tôn Thất Tùng. Đa số các em là học sinh thuộc quận Sơn Trà, một vùng quê miền biển. Đời sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Cha mẹ các em làm nghề chài lưới ngoài khơi xa, ít có điều kiện chăm lo cho các em việc học hành, sinh hoạt nề nếp chu đáo. Số các em khác cũng thuộc đối tượng gia đình lao động hoặc bộ đội. Cha mẹ không có nhiều điều kiện theo sát con em. Vì vậy, ngay ở các cấp học dưới, chất lượng học lực và hạnh kiểm của các em cũng không cao. Điểm tuyển sinh “ đầu vào” lớp 10 của các em cũng “ thật ấn tượng” ( 23-26...điểm trở lên). Đó là những bất cập tồn tại như một điều hiển nhiên ở vùng đất này. Vì vậy, trường THPT Tôn Thất Tùng mọc lên nơi đây chính là để “ khai tâm, mở trí” cho con em của vùng đất còn nghèo và dân trí còn thấp này. Bù lại những khiếm khuyết đó, trường THPT Tôn Thất Tùng có một đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về nghiệp vụ, tràn đầy nhiệt huyết và giàu tình yêu thương, coi các em học sinh như con cháu của mình, khiến mỗi ngày đến trường của các em là một “ ngày vui” .
II. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG Việc nâng cao chất lượng cho học sinh, giúp các em đủ lực vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT và đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, không phải đến năm cuối cấp THPT mới được nhà trường và Hội đồng sư phạm bắt đầu quan tâm, mà đó là công việc được cả Hội đồng sư phạm nhà trường chú trọng ngay từ khi các em bước chân vào trường. Sự quan tâm ấy được hiện thực hóa bằng các giải pháp cụ thể, như:
1. Về phía nhà trường: Trên cơ sở danh sách học sinh trúng tuyển vào trường, lãnh đạo nhà trường tiến hành xem xét, đánh giá, xếp lớp cho các em, sao cho thật phù hợp với năng lực và nguyện vọng của từng em. Đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn lên kế hoạch hoạt động, phân công các thầy cô giáo đứng lớp giảng dạy sao cho thật phù hợp với đặc điểm của các nhóm đối tượng học sinh. Nhà trường củng cố cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà giáo giảng dạy học sinh đạt hiệu quả cao nhất. Được sự chỉ đạo của Chi bộ và Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chuyên môn đồng loạt triển khai kế hoạch và tiến hành các hoạt động thiết thực nhằm đạt được kết quả dạy và học tốt nhất.
2. Về phía tổ Ngữ văn: Mục tiêu nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT và Đại học , Cao đẳng cho học sinh luôn được tổ đặt song hành với nhau. Cho nên, ngay từ lớp 10, kết hợp giữa sự chỉ đạo của nhà trường và căn cứ vào đặc điểm học lực và hạnh kiểm của học sinh , tổ phân công giáo viên đứng lớp phù hợp với đặc điểm đối tượng học sinh và năng lực chuyên môn của từng giáo viên.
Bên cạnh việc phân công chuyên môn, tổ còn thường xuyên quán triệt tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh đến từng thầy cô giáo trong từng học kì, từng năm học ( từ khi các em học lớp 10 cho đến lớp 12). Qua đó, kịp thời cập nhật tình hình và chất lượng học tập của các em một cách chính xác nhất. Từ đặc trưng riêng của môn Ngữ văn, các nhà giáo nhận thức rằng, học sinh dù học bao nhiêu phân môn đi nữa, yêu cầu cuối cùng là phải làm được bài văn nghị luận có chất lượng càng cao càng tốt, đồng thời biết cách hoàn thiện bản thân mình thành con người có đủ đức, trí, thể, mĩ. Đó chính là mục tiêu giáo dục, đào tạo của bộ môn. Vì vậy, trọng tâm của việc đổi mới phương pháp dạy học đối với môn Ngữ văn là tăng cường các biện pháp dạy học phát huy trí lực học sinh, như: - Thường xuyên hướng dẫn học sinh cách thông hiểu kiến thức, rồi vận dụng lí thuyết vào việc thực hành (Công việc này phải luôn luôn được rèn luyện để trở thành kĩ năng, kĩ xảo cho các em).
- Đặc biệt, với đặc trưng môn văn, thầy cô hướng dẫn học sinh nắm hiểu rõ kiến thức lí thuyết các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, lí luận văn học và tác phẩm văn học. Từ đó vận dụng tích hợp có hiệu quả vào việc làm văn. - Để việc làm văn của học sinh có hiệu quả cao, thầy cô cũng cần hướng dẫn học sinh nắm vững từng phương pháp nghị luận. Theo kinh nghiệm của tổ, thì cần yêu cầu học sinh học thuộc lòng các phương pháp nghị luận để dễ dàng vận dụng khi làm bài. - Sau khi ra một đề bài kiểm tra, nhất là kiểm tra 1 tiết, bao giờ thầy cô cũng nhắc lại phương pháp nghị luận đối với đề bài đó. Công việc này tưởng nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn. Vì giúp cho các em nhớ nhanh, nhớ kĩ lí thuyết và vận dụng vào việc làm bài nhanh và hiệu quả quả hơn.Với đặc điểm học sinh trường THPT Tôn Thất Tùng , thầy cô không thể nóng vội mà phải kiên trì. Đây chính là biện pháp “Mưa dầm thấm lâu”. Quy trình của biện pháp trên là: hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở, kiểm tra, uốn nắn, khắc phục (phải thực hiện thường xuyên, kiên trì). Cứ vậy, từ lớp 10 đến lớp 12, chắc chắn các em sẽ có được kĩ năng nghị luận vững vàng. Từ đó, các em làm chủ được kiến thức cũng như phương pháp học tập. Bước sang năm học 12, năm cuối cấp, biết các em đã định hướng cho mình con đường đi về phía ngưỡng cửa của các trường đại học. Dù vậy, các thầy cô tổ Ngữ Văn vẫn luôn nhắc nhở học sinh không được coi thường “ cửa ải” tốt nghiệp THPT. Để giúp các em có kết quả thi tốt nghiệp THPT và Đại học, Cao đẳng môn Ngữ văn tốt nhất, các thầy cô tổ Ngữ văn hướng dẫn học sinh: - Nắm vững giới hạn chương trình ôn thi tốt nghiệp và Đại học, Cao đẳng do Bộ giáo dục – đào tạo quy định ngay từ đầu năm học. - Đầu tư kĩ và sâu các bài nằm trong giới hạn trên. - Chú trọng đến việc rèn luyện kĩ năng làm văn, kĩ năng hành văn, dùng từ, đặt câu. - Đặc biệt, trong các tiết trả bài, giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự lập lại dàn bài cho đề bài văn nghị luận và tự sửa các lỗi trong bài viết của mình theo sự chỉ dẫn, uốn nắn của giáo viên. Giáo viên nhận xét, đánh giá chỉ ra mặt ưu và nhược điểm trong từng bài viết của các em; động viên các em phát huy mặt ưu và hạn chế đến mức thấp nhất nhược điểm, để bài làm văn sau đạt chất lượng cao hơn. - Sau khi thi học kì II (khối 12), tổ Ngữ văn soạn cho các em tài liệu ôn tập phục vụ thi tốt nghiệp và Đại học, Cao đẳng. Trong đó, có từng dạng đề cụ thể với hai loại nghị luận (Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học). Trong các tiết ôn tập, các em tự ôn và tự giải đề theo định hướng của thầy cô nhằm rèn luyện thuần thục kĩ năng nghị luận. - Để giúp các em học sinh có nguyện vọng thi vào các trường Đại học thuộc khối C và D, tổ Ngữ văn đã vận dụng phương pháp dạy học phân hóa. Cốt lõi của phương pháp dạy học này là giáo viên vừa dạy đại trà cho tất cả học sinh vừa thường xuyên ra đề và luyện giải đề cho các em có nguyện vọng thi vào các trường Đại học , Cao đẳng thuộc khối C và D. Trong quá trình luyện giải đề cho các em, thầy cô có điều kiện bổ sung kiến thức sâu và rộng cho học sinh có nguyện vọng trên và rèn luyện cho các em kĩ năng làm văn nghị luận vững vàng hơn. Với các giải pháp cụ thể trên, các thầy cô giáo tổ Ngữ văn đã góp phần giúp cho các em học sinh ( có chất lượng đầu vào rất thấp) nắm kiến thức khá tốt, để tự tin bước vào kì thi tốt nghiệp THPTvà Đại học, Cao đẳng hàng năm với chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Trên đây là những chia sẻ của tổ Ngữ văn trường THPT Tôn Thất Tùng cùng đồng nghiệp và xin nhận ở các đồng nghiệp những sẻ chia tâm huyết, để chúng tôi được học hỏi thêm. |